Workation – vừa làm việc, vừa thư giãn, trải nghiệm những điều thú vị ở một không gian mà mình yêu thích giúp người trẻ có nhiều ý tưởng, sáng tạo hơn trong công việc.
Workation được ghép từ “work” (công việc) và “vacation” (kỳ nghỉ). Hai khái niệm công việc và kỳ nghỉ tưởng chừng không bao giờ có thể đi kèm, trước đây có thể gây khó chịu cho nhiều người vì làm mờ ranh giới giữa công việc và thư giãn.
Nhưng workation giờ trở thành giải pháp cho những người có đam mê xê dịch mà vẫn muốn đảm bảo công việc.
Xu hướng này bắt nguồn từ Mỹ và các nước châu Âu và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của bộ phận lớn dân công sở. Đến nay, tận hưởng kỳ nghỉ kết hợp làm việc từ xa đã phổ biến sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Khi “work from home” đã trở nên nhàm chán và bí bách khi phải làm việc trong một không gian ngột ngạt thì việc tìm cho mình một không gian mới mẻ để nạp thêm những năng lượng khiến bản thân lấy lại tinh thần) sau một mùa dịch kéo dài.
Vừa làm việc, vừa thư giãn, trải nghiệm những điều thú vị ở một không gian mà mình yêu thích giúp cơ thể trở nên sảng khoái. Từ đó, giúp người trẻ có nhiều ý tưởng, sáng tạo hơn trong công việc.
Nghiên cứu của Booking.com, trong những năm tới chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng của hình thức “workation” . Bởi 58% du khách Việt Nam cho biết họ sẽ tận dụng cơ hội kéo dài các chuyến công tác; từ đó lên lịch làm việc xen kẽ với thư giãn.
Klook, một nền tảng thương mại điện tử có trụ sở tại Hong Kong dành cho du lịch và trải nghiệm, vừa khởi động mô hình “workcation” – mang đến cho nhân viên cơ hội du lịch và điều kiện làm việc linh hoạt từ mọi địa điểm trên toàn cầu.
Trong lúc ngành du lịch đang phát ra nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, bằng những sáng kiến mới mẻ như “workcation”, Klook mong muốn khơi dậy nguồn cảm hứng khám phá thế giới cho tất cả nhân viên, đặc biệt sau thời gian trì hoãn bởi dịch bệnh.
Kết hợp công việc và sở thích, “workcation” khuyến khích nhân viên Klook sử dụng quỹ thời gian rảnh để tham quan danh lam thắng cảnh hay khám phá văn hoá địa phương.
Nhân viên Klook có thể tận hưởng thời gian “workcation” lên đến 30 ngày làm việc mà không bị khấu trừ vào số ngày nghỉ phép thường niên.
“Nhiều doanh nghiệp đang thử nghiệm các mô hình làm việc kết hợp, nghĩa là cân bằng thời gian làm việc tại nhà và làm việc ở văn phòng sao cho thật hiệu quả. Thế nhưng ở Klook, chúng tôi không chỉ xây dựng thương hiệu tại dãy bàn làm việc trong văn phòng đóng kín; thay vào đó là các chuyến hành trình tìm kiếm nguồn cảm hứng tại nhiều châu lục cùng khát khao ngắm nhìn thế giới”, bà Cary Shek, Phó Chủ Tịch, Bộ Phận People and Culture tại Klook.
Vài năm gần đây, giới văn phòng, đặc biệt từ thế hệ Y, đã quen với phương thức làm việc từ xa, như một cách tìm kiếm thời gian nghỉ ngơi hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe.
Theo dữ liệu của Klook, số lượng đơn hàng cho các hoạt động du lịch quốc tế trong tháng 4 đã tăng trưởng gấp 3 lần so với tháng 2, báo hiệu bước ngoặt mạnh mẽ trong ngành du lịch đang đến gần – với sự trở lại mạnh mẽ của các xu hướng du lịch quốc tế.
Singapore là thị trường có xu hướng du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ nhất, tiếp theo đó là Thái Lan và Hàn Quốc. Người dùng trong khu vực cũng đang cân nhắc đến các lựa chọn tiềm năng như Úc, Malaysia, Indonesia, New Zealand, Thái Lan và Anh.
Song song với xu hướng “workcation”, một nghiên cứu được thực hiện bởi Google vào năm 2021 đã cho thấy rằng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thời gian lưu trú trung bình của một kỳ nghỉ đã kéo dài hơn đáng kể so với năm 2019, từ 3,5 ngày thành 5 ngày (chiếm tỉ lệ 85% tổng số người tham gia khảo sát); trong đó, cứ mỗi 4 khách du lịch thì có 1 người dự định sẽ dành ra 2 tuần cho chuyến đi.
Du khách cũng ưu tiên trải nghiệm tập trung, nghĩa là dành nhiều thời gian để tìm hiểu sâu sắc một địa điểm nhất định thay vì đặt mục tiêu du lịch đến nhiều quốc gia Đông Nam Á như trước khi xảy ra đại dịch. Bên cạnh đó, một nghiên cứu vào năm 2021 cũng chỉ ra rằng những người thường xuyên đi du lịch cảm thấy hạnh phúc hơn so với người ít vi vu.
Theo: The Leader